Những điểm nổi bật tại Google I/O 2015

Như vậy là Hội nghị Google I/O 2015 đã chính thức diễn ra mang lại rất nhiều thông tin, dự án của gã khổng lồ tìm kiếm trong năm nay. Sau đây là 10 điểm chính nổi bật tại sự kiện này nếu như bạn đã bỏ qua những thông tin quan trọng.

Quang cảnh Google I/O 2015 trước giờ G

1. Phiên bản Android M dành cho lập trình viên

Phiên bản Android M dành cho lập trình viên
Điểm đáng chú ý nhất tại Google I/O 2015 không ai khác chính là Android M. Với phiên bản cập nhật này, Google sẽ tập trung vào sự tinh tế và khả năng điều khiển. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ thấy được những cải thiện về thời lượng sử dụng pin, hỗ trợ cảm biến vân tay tốt hơn, tính năng "deep sleep" trên tablet và đặc biệt là hệ thống Chrome service hứa hẹn mang lại trải nghiệm lướt web hữu ích hơn cho người dùng.
Hiện phiên bản Android M dành cho lập trình viên đã sẵn sàng cho 3 chiếc máy: Nexus 5, Nexus 6 và Nexus 9. Bạn cần lưu ý đây là bản Developer Preview có nghĩa là bản xem trước dành cho lập trình viên chứ không phải bản chính thức nên sẽ không ổn định và tiềm ẩn nhiều lỗi. Nếu bạn chỉ muốn dùng để xem trước có gì hay thì hãy tải về flash trên Nexus của mình, còn không thì bạn nên chờ đợi.

2. Hệ thống thanh toán Android Pay

Hệ thống thanh toán Android Pay
Android Pay chính là bản nâng cấp cho hệ thống Google Wallet. Khác với tiền nhiệm, Android Pay khi ra mắt đã được liên kết với khá nhiều ngân hàng và từ đó cho phép người dùng tùy chọn cách mà họ mong muốn thanh toán.

3. Quyền hạn của ứng dụng trong Android M

Quyền hạn của ứng dụng trong Android M
Không chỉ tập trung vào các tính năng mới, Google cũng cải thiện hệ thống quyền hạn của ứng dụng (App permissions) trên Android M. Giờ đây, danh sách các quyền của ứng dụng sẽ có một chỗ riêng nằm trong mục setting để người dùng có thể duyệt cũng như cho phép (hoặc từ chối) thay vì chỉ hiển thị đơn giản lúc cài đặt ứng dụng như trên các phiên bản Android trước.
Ngoài ra, hệ thống quyền hạn ứng dụng mới cũng bao gồm một bản bật tắt nhanh các ứng dụng yêu cầu quyền hạn. Từ đây, người dùng sẽ được trao quyền cho phép hoặc từ chối một thành phần nào đó trong hệ thống hoặc thông tin của họ nếu như cảm thấy phù hợp.

4. NVIDIA Shield Android TV

NVIDIA Shield Android TV
Cỗ máy Shield mới của NVDIA thực tế chỉ được Google nói sơ lược ở hội nghị của mình nhưng nhờ đấy mà chúng ta cũng đã biết được thông tin chiếc máy này sẽ được bán ra ngay trong ngày hôm nay.

5. Expeditions và Family Star

Expeditions và Family Star
Ở hội nghị Google I/O 2015, gã khổng lồ tìm kiếm cũng giới thiệu hệ thống Expeditions và Family Star trên chợ ứng dụng Play Store. Đầu tiên, Google Expeditions sẽ là một mô hình lớp học điện tử tận dụng kính thực tế ảo Google Cardboard. Giờ đây, trẻ nhỏ có thể vui chơi cùng giáo viên của mình trong các chuyến dã ngoại ảo thông qua những chiếc tablet được cài sẵn phần mềm.
Tiếp theo, hệ thống tính điểm Family Star sẽ giúp cho người dùng kiểm duyệt và theo dõi những ứng dụng và nội dung nhằm xem có phù hợp cho trẻ nhỏ hay không. Ngoài ra, mọi thông tin quảng cáo và những đường link dẫn qua những trang web khác cũng sẽ có nội dung phù hợp với trẻ em.

6. Bộ công cụ lập trình ứng dụng mới

Bộ công cụ lập trình ứng dụng mới
Google I/O là hội nghị dành cho lập trình viên vì thế gã khổng lồ tìm kiếm cũng không quên giới thiệu một bộ công cụ lập trình ứng dụng mới. Giờ đây, lập trình viên sẽ có những công cụ test ứng dụng a/b, khả năng quản lý quảng cáo trong ứng dụng tốt hơn cũng như bộ phần mềm giúp họ có thể quảng bá sản phẩm của mình đến người dùng dễ dàng hơn.

7. Kính thực tế ảo Google Cardboard và jump camera

Google Cardboard
Google Cardboard là một kính thực tế ảo VR có giá thành rất tốt do được làm từ giấy. Năm nay, Google sẽ cải tiến chiếc kính này tương thích với nhiều thiết bị Android và iOS hơn.
Máy quay thực tế ảo Jump
Ngoài ra, nền tảng thực tế ảo mới "Jump" cũng được Google giới thiệu. Nhìn chung, Jump là khung tròn với 16 camera được gắn xung quanh trục của thiết bị. Từ đó, các camera sẽ làm nhiệm vụ quay video, sau đó nền tảng phần mềm của Google sẽ tính toán, xử lý và cho ra những thước phim chất lượng cao.

8. Khóa học lập trình viên ứng dụng Android: UDACITY Android Nanodegree

Khóa học lập trình viên ứng dụng Android
Để nhiều đối tượng có thể tiếp cận dễ dàng hơn với công việc lập trình ứng dụng cho Android, Google đã mở một khóa học riêng với tên gọi UDACITY. Theo gã khổng lồ tìm kiếm, học viên sẽ mất khoảng từ 6 đến 9 tháng để hoàn thành khóa học (với điều kiện dành từ 10 đén 15 tiếng một tuần để học). Và mức học phí cũng là khá rẻ: chỉ 200 USD một tháng.

9. Dự án Brillo và Internet of Things

Dự án Brillo và Internet of Things
Internet of Things là một khái niệm vô cùng mới mẻ nhưng tiềm năng của nó là vô cùng lớn. Giờ đây, hầu hết mọi thiết bị điện tử của bạn đều có thể tương tác với nhau một cách thông minh hơn từ đó mang lại trải nghiệm cuộc sống dễ dàng và nhẹ nhàng hơn cho ngươi dùng. Và dự án Brillo chính là một dự án dựa trên Internet of Things của Google. Bạn có thể xem dự án này như là một HDH Android thu nhỏ vậy.

10. Google Now on Tap

Google Now on Tap
Giờ đây, hệ thống nhận diện giọng nói Google Now đã trở nên thông minh hơn rất nhiều với những tính năng mới có tên gọi là Now on Tap. Như đã biết, Google Now dựa trên những thói quen, tập tính sử dụng công nghệ của bạn nhằm mang đến những tiện ích giúp bạn tận hưởng cuộc sống một cách dễ dàng và nhanh chóng. Thì giờ đây, Now on Tap sẽ tập trung vào việc cung cấp các thông tin theo ngữ cảnh bên trong ứng dụng mà bạn đang sử dụng.
Một ví dụ điển hình là việc Now on Tap sẽ tìm kiếm lịch chiếu phim Avengers 2 cho bạn ngay khi một người bạn vừa nhắn tin rủ bạn đi xem. Hoặc thậm chí sẽ tìm kiếm những hình ảnh về các món ăn mà bạn xem trên một menu đầy chữ nhàm chán chẳng hạn.
Share on Google Plus

0 nhận xét: